Tương lai nào cho những đội bóng châu âu trước làn sóng tỷ phú Trung Đông?
Những năm gần đây, thông tin về việc Arsenal có thể được mua lại bởi các nhà đầu tư Qatar và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) với giá 1,5 tỷ bảng đã gây xôn xao làng bóng đá châu Âu. Mặc dù vậy, nếu khả năng này xảy ra trong vài tuần tới thì nó cũng không làm nhiều người ngạc nhiên. Hình ảnh các tỷ phú dầu mỏ đua nhau thâu tóm các CLB châu Âu đã trở nên quen thuộc. Và ở đó, những thế lực từ Trung Đông ngày càng chiếm ưu thế nhờ túi tiền… không đáy của mình.
Có một thực tế không thể phủ nhận là tiền bạc đang chi phối phong độ của các đội bóng. Các CLB giàu nhất đang thống trị thế giới bóng đá. Họ có những nguồn thu rất lớn từ quảng cáo, bản quyền truyền hình và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến CLB, cũng như từ bán vé. Sự giàu có cho phép họ lôi kéo những cầu thủ xuất sắc nhất, những HLV tài năng nhất.
Trò chơi của các tỷ phú Arập?
Các tỷ phú đã nắm bắt rất nhanh cơ hội mà môn thể thao vua mang lại và họ không ngừng đầu tư vào các CLB lớn. Điển hình là Silvio Berlusconi và Roman Abramovich, những người đã lần lượt rót vốn vào AC Milan (năm 1986) và Chelsea (2003), mang lại một bộ mặt hoàn toàn khác cho các CLB này chỉ trong một thời gian ngắn.
Nhưng nếu các tỷ phú châu Âu đầu tư với mục tiêu chính là kiếm lời, thì các nhà đầu tư vùng Vịnh lại hướng đến những cái đích khác. Điều này được thấy ở việc các tỷ phú Arập đã và đang đổ tiền vào những địa chỉ không mang lại lợi nhuận. Thoạt nhìn, cách đầu tư như vậy khiến người ta liên tưởng tới một thú chơi của người giàu. Nhưng thực chất, động cơ của các tỷ phú Arập vượt ra ngoài khuôn khổ bóng đá.
Lấy Qatar làm ví dụ. Quốc gia này có nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt và dầu mỏ. Theo đó, để có thể thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, họ hướng đến du lịch. Và để cái tên Qatar được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới, họ lấy bóng đá làm phương tiện quảng bá. Việc đầu tư vào các CLB lớn chính là nằm trong chính sách toàn cầu đó.
Công thức: Tiền = Thành công
Một điểm đặc biệt khác của các nhà đầu tư vùng Vịnh, đó là họ không quan tâm nhiều đến việc số tiền phải bỏ ra là bao nhiêu. Họ sẵn sàng vung tiền để các đội bóng có thể gặt hái thành công càng nhanh càng tốt. Điều này đã được khẳng định tại Manchester City, Paris Saint-Germain hay Malaga.
Man City hiện thuộc sở hữu của Mansour Zayed Al Nahyan, thành viên của gia đình Hoàng gia Abu Dhabi (UAE). Tỷ phú này đã bơm số tiền khổng lồ nhằm giúp Man City tuyển mộ những cầu thủ lớn, kể từ khi mua lại CLB năm 2008 từ cựu Thủ tướng Thái Lan, Thaksin Shinawatra.
Trong khi đó, sự xuất hiện của ông chủ người Qatar, Abdullah Nasser Al Thani, tại Malaga cũng đã tạo nên một cuộc cách mạng cho CLB.
Bóng đá Pháp cũng không thoát khỏi vòng xoáy của những đồng đô la dầu mỏ. Năm 2011, Paris Saint-Germain rơi vào tay người Qatar. Thái tử Tamim Bin Hamed Al Thani đã đầu tư vào PSG thông qua Qatar Sports Investments (QSI). Trong vòng vài năm qua, PSG đã chi khoảng 250 triệu euro vào thị trường chuyển nhượng, đưa về những tên tuổi lớn như Zlatan Ibrahimovic, Thiago Silva, Javier Pastore… và mới nhất là David Beckham. PSG đang thẳng tiến tới chức vô địch Ligue 1 và cũng đã lọt vào tới vòng tứ kết Champions League mùa này.
Nói đến bóng đá châu Âu, người ta vẫn gọi tên Barcelona, Real Madrid, Manchester United, AC Milan và Bayern Munich đầu tiên. Nhưng cứ với tốc độ bành trướng của những đồng đô la dầu mỏ như hiện nay, trật tự này sớm muộn sẽ bị xáo trộn.
Doanh nghiệp Trung Quốc dùng tiền mua cổ phần hoặc thâu tóm hoàn toàn các đội bóng tên tuổi tại châu Âu. Tính đến nay, chân rết của các tài phiệt quốc gia này đã lan ra 12 CLB khác nhau trên toàn cõi châu Âu, chủ yếu tại các giải VĐQG hàng đầu như Ngoại hạng Anh, La Liga hay Serie A.
Add Comment